Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp là Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, một trong những cơ sở chính điều trị bệnh nhân Covid-19.
"Chuẩn bị ứng phó dịch bệnh corona, tôi bảo vợ chuẩn bị quần áo mang đến viện, ăn ngủ luôn tại đó, đến nay hơn hai tuần rồi", bác sĩ Cấp kể. Anh cười xòa khi nói về phản ứng của vợ con khi anh tự cách ly tham gia chống dịch: "Vợ chắc nghĩ mình vô tích sự quá nên chẳng thèm nói gì".
Những buổi tối ngủ đi-văng vừa lạnh vừa đau mỏi lưng, mắt anh thâm quầng. "Ở viện không thoải mái như ở nhà, nhưng tôi phải quen với nhịp sinh hoạt từ khi có dịch bệnh", anh nói.
Là trưởng khoa cấp cứu tại bệnh viện tuyến đầu, nơi tiếp nhận cách ly và điều trị cho các bệnh nhân dương tính nCoV, áp lực đặt nặng lên đôi vai y bác sĩ. Anh thú thật: "Tôi lo lắng chứ, nhưng vẫn luôn phải mang đến cho các nhân viên cũng như bệnh nhân sự an tâm, truyền niềm tin, nghị lực cho họ".
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Lê Hoàng. |
Chuẩn bị đối phó
Khi Trung Quốc thông báo về dịch bệnh mới Vũ Hán vào giữa tháng 12, bác sĩ Cấp và các đồng nghiệp lập tức họp, lên phương án chống dịch. Với phương án điều trị cách ly bệnh nhân, bệnh viện chuẩn bị nơi ăn, chỗ ở, dịch vụ vệ sinh, thậm chí những điều rất nhỏ như bàn chải đánh răng, khăn giấy...
Với đồng nghiệp trẻ là các y bác sĩ, điều dưỡng, anh cố gắng sắp xếp ít người nhất có thể vào tuyến trong cùng. Họ là những người trực tiếp chăm sóc bệnh nhân, tổng cộng khoảng 20 người, cũng ăn ngủ luôn tại viện. Những điều dưỡng ở vòng ngoài vẫn có thể đi về được với điều kiện trước khi đi về thì phải tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ.
Nhờ sự chuẩn bị đó mà khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên có tiền sử dịch tễ phải cách ly, cho đến những bệnh nhân dương tính nCoV, "mọi thứ không có gì rối loạn", anh nói.
Cùng lúc chuẩn bị về điều kiện cách ly, bác sĩ Cấp đi tìm tài liệu nghiên cứu mầm bệnh. Anh tìm kiếm thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng như học hỏi từ đồng nghiệp của mình. Trên cơ sở những thông tin đó, anh lên phác đồ điều trị hướng dẫn tạm thời, trình lên Bộ Y tế. Hội đồng khoa học gồm những chuyên gia đầu ngành xem xét, chỉnh sửa phác đồ đó để ban hành, điều trị. Sau khi Bộ Y tế ban hành, bác sĩ Cấp bắt đầu tổ chức tập huấn rộng rãi cho cán bộ công nhân viên thực hiện.
Phác đồ điều trị
Gần ba tuần, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương tiếp nhận tổng cộng 5 bệnh nhân dương tính với virus corona, được cách ly, điều trị. Bác sĩ Cấp cảm thấy rất may mắn khi các bệnh nhân đều là những người khỏe, không có bệnh nền nên diễn biến lâm sàng không quá trầm trọng.
Phác đồ điều trị của Việt Nam xuất phát từ nghiên cứu của Trung Quốc cũng như những kinh nghiệm của thầy thuốc đúc kết qua nhiều năm và được cập nhật thường xuyên. Điều trị cho vài chục bệnh nhân, đến vài trăm, vài nghìn bệnh nhân, phác đồ luôn có những điểm mới.
Bệnh nhân dương tính nCoV ở Việt Nam chủ yếu được điều trị bằng thuốc, điều trị theo triệu chứng. Bệnh nhân Nguyễn Thị Yên, 55 tuổi, xuất viện ngày 18/2 có bệnh nền bị viêm phổi, nhưng không suy hô hấp nên không cần phải thở máy, quá trình điều trị vẫn theo phác đồ này.
"Điều đáng ngại hơn là tinh thần của bệnh nhân", bác sĩ Cấp bộc bạch. "Hơn hai tuần ăn ngủ tại bệnh viện, tôi thích nghi được bởi tôi có thể đi lại, giao tiếp với đồng nghiệp, tôi vẫn có công việc khác để làm. Còn bệnh nhân, họ phải ngồi một mình một phòng, không có công việc gì cả. Nếu như 2-3 người một phòng cách ly thì mỗi người một góc, không được gần gũi, không được trò chuyện, họ chắc chắn rất bức bối".
Trong khu cách ly, anh và các điều dưỡng thường xuyên quan tâm người bệnh bằng việc trò chuyện thông qua điện thoại. Các bệnh nhân nhiễm nCoV phải hạn chế tiếp xúc mọi người. Tại mỗi phòng cách ly đều được lắp camera để nhân viên y tế tiện theo dõi và hỏi han tình hình. Điều quan trọng là không được phép kỳ thị, xa lánh họ, bác sĩ cho biết.
Về mặt nguyên tắc, khi bệnh nhân hết virus nghĩa là cơ thể không có nguy cơ phát tán mầm bệnh nữa, vì vậy sẽ không còn lây nhiễm ra cộng đồng. Tuy nhiên, Covid-19 là một bệnh mới nên cần luôn phải thận trọng, bác sĩ nói. Bệnh nhân xét nghiệm âm tính rồi vẫn phải tiếp tục theo dõi.
Kinh nghiệm từ dịch SARS
"Những kinh nghiệm từ thời dịch SARS để lại vẫn có giá trị", anh nói. Năm 2003, bệnh nhân mắc bệnh được cách ly trong phòng tiện nghi, điều hòa đầy đủ. Ít lâu sau, nhiều nhân viên y tế cũng nhiễm bệnh. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì không có ai bị nhiễm chéo, một phần nhờ mở cửa thông thoáng.
"Chúng tôi mới nhận ra trong phòng kín, có điều hòa làm virus lây lan nhanh hơn. Đó là một bài học quý giá đến bây giờ".
Ngoài việc chăm sóc điều trị Công ty dịch thuật chuyên nghiệp - MIDtrans Blog bệnh nhân, bệnh viện phải đảm bảo an toàn tối đa cho cán bộ nhân viên y tế. Bác sĩ chia sẻ, đối phó dịch do virus corona có yếu tố thuận lợi hơn dịch SARS. Nếu dịch SARS rất lâu sau khi phát sinh, người ta mới hiểu được căn nguyên bệnh. Còn với nCoV, trước khi về Việt Nam, các bác sĩ hiểu khá rõ thông qua những kinh nghiệm của đồng nghiệp bên Trung Quốc, mà đôi khi những kinh nghiệm phải đánh đổi bằng cả mạng sống mới có được. Nhờ vậy, Việt Nam chủ động hơn trong việc phòng chống dịch
"Sự chia sẻ thông tin bây giờ cũng tốt hơn", anh nói. Nếu SARS phải mất một tháng các bác sĩ mới biết là gì, thì nCoV sau khi công bố 3-4 ngày, các nhà nghiên cứu đã giải xong trình tự gene và công bố bản đồ gene của virus.
Tôi không coi nghề của mình là nguy hiểm
Chứng kiến giây phút hạnh phúc khi lần lượt cả 5 bệnh nhân dương tính virus corona điều trị tại bệnh viện mình được xuất viện, bác sĩ Cấp không giấu nổi niềm "rạo rực trong lòng".
Anh tâm niệm rằng để chiến đấu với mối nguy hiểm, tốt nhất là học để hiểu rõ nguy cơ. "Để đối phó với nỗi lo dịch bệnh, không gì hơn là hiểu biết về nó", anh nói.
Ngày ngày đối mặt với những mối nguy hiểm dễ lây lan, có thể chết người, nhưng bác sĩ Cấp thể hiện thái độ bình thản. "Cuộc sống vẫn còn nhiều nghề nguy hiểm hơn nghề của tôi nhiều", anh tâm sự sau khi tiễn hai bệnh nhân ra viện hôm 18/2. "Ai cũng muốn chọn nghề nào vừa giàu vừa nhàn ư, điều đó là không thể".
Thúy Quỳnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét